Nhirighthere

blog chia sẻ những điều nhỏ bé hay ho

Mình nói thiệt là hồi đó giờ mình không có để ý những ngày lễ lộc trong năm. Chỉ trừ những dịp lễ lớn như Noel, Tết Tây, Tết Ta. Nhưng vào năm nay thì mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, phong tục truyền thống, không phải để cúng kiếng linh đình gì vì mình ở một mình nên cũng đơn giản hóa bớt đi. Đặc biệt hơn mình mang 2 nền văn hóa nên cũng có nhiều điểm lợi là ăn được nhiều lễ Tết. haha.

Hôm nay là ngày cuối trong tiết Đông Chí. Cùng mình tìm hiểu xem lễ này có gì hay mà cộng đồng người Hoa ăn lớn dữ vậy ha!

Tết Đông Chí – 冬至 thường rơi vào khoảng từ ngày 21 đến 23/12 dương lịch. Là một trong 24 tiết khí trong năm với:

– 冬 Đông: nghĩa là mùa đông

– 至 Chí: nghĩa là cực điểm (đối với vị trí giữa trái đất và mặt trời).

Đây là mốc thời gian đánh dấu ngày ngắn nhất – đêm dài nhất ở Bắc bán cầu, từ ngày này, ngày mới bắt đầu dài ra. Thời xưa, Đông Chí được xem là điểm bắt đầu của 24 tiết khí ” Đông Chí Giao Cửu” chỉ quan trọng sau Tết Nguyên Đán.

Mình ăn gì “lấy hên” trong dịp này?

Chè Trôi Nước – Thang Viên – 汤圆 Cũng như tết Nguyên Đán, Đoan Ngọ và Trung Thu có các món bánh đặc trưng của mình như bánh tổ, bánh ú, bánh Trung Thu, ngày tết Đông Chí cũng có nhiều món ăn đặc trưng. Một trong số đó chính là món “chè trôi nước”. Từ Thang Viên có cùng phát âm với từ Đoàn Viên trong tiếng Hoa nên được xem là một món ăn rất ý nghĩa trong dịp lễ này.

Hoành thánh – Sủi cảo – 水饺 Phong tục ăn hoành thánh ngày Đông Chí ít được nhiều người biết đến nhưng có truyền thống rất lâu đời có từ thời nhà Hán, hoành thánh và sủi cảo có hình thù như bao tiền vàng, với màu ấm áp tạo nhiều điều may mắn, món ăn giúp làm ấm cơ thể, bồi bổ thể.

Còn một điểm hay ho mà mình thấy đó là : (cái này mình cũng hỏi mẹ chứ mình cũng không rành lắm đâu)

Để đánh dấu ngày Đông Chí đi qua, người Hoa thường họa một bức tranh hình cây đào với chín bông rồi treo lên tường trong nhà. Phong tục này gọi là “họa cửu”, còn bức tranh treo gọi là “Mai hoa tiêu hàn đồ”.

Leave a comment